Một số điểm mới trong Điều lệ trưởng tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT
Lượt xem:
Ngày 04/9/2020, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ Trường tiểu học.
Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 20/10/2020, đã điều chỉnh để phù hợp với Luật giáo dục 2019 và thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, điều chỉnh những bất cập, bổ sung những nội dung cần thiết liên quan tới quản trị nhà trường, trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên, học sinh ở giai đoạn mới.
Điểm mới đầu tiên trong Điều lệ trường tiểu học là việc thực hiện bắt buộc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn. Nội dung này phù hợp với quy định trong Luật giáo dục. Điều lệ trường tiểu học cũng đặt ra việc huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường, thực hiện phổ cập giáo dục và chống mù chữ, nhưng không phải nhiệm vụ bắt buộc. Những việc đi ngược với nhiệm vụ bắt buộc này có thể coi là vi phạm pháp luật.
Các trường tiểu học phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được xây dựng hằng năm, dựa trên nền tảng chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành kết hợp với xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu của người học, nội dung giáo dục địa phương đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Các trường cũng có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.
Lãnh đạo các trường tiểu học chủ động trong xây dựng thời khóa biểu phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường đã đề ra. Trong đó, có thể chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học khác nhau để chủ động trong mọi tình huống khi bị tác động bởi yếu tố khách quan.
Điều lệ quy định giáo viên tiểu học được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục. Cụ thể, các thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách trên nguyên tắc đảm bảo quy định chung của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.
Giáo viên tiểu học cũng được phép sáng tạo, linh hoạt sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy.
Điều lệ mới quy định học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, hoặc học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định (quy định là 6 tuổi vào lớp 1), học kéo dài thời gian, học lưu ban. Riêng quy định về không phải điểm hoàn toàn mới mà đã quy định trong điều lệ trường tiểu học ban hành trước đây. Việc “học vượt cấp” được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, theo đó, những học sinh có thể lực tốt và phát triển trí tuệ sớm có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh muốn học vượt cấp có đơn đề nghị với nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng phòng GDĐT xem xét quyết định.
Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 20/10/2020 thay thế Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học và Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sửa đổi, bổ sung Điều 40, bổ sung thêm Điều 40a của Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học.
Nội dung chi tiết xem trong tài liệu đính kèm